Quảng Nam phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

Các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép có hiệu quả nguồn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Quảng Nam có hơn nửa triệu ha rừng tự nhiên và là 1 trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước. Nhiều năm qua, tỉnh này tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng. Đây là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Tây Quảng Nam. Các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép có hiệu quả nguồn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, chủ yếu là nguồn kinh phí từ Dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”. Nguồn đầu tư này đã hỗ trợ các huyện miền núi khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hộ dân thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được địa phương hỗ trợ cây giống, con giống theo nhóm hộ và được giao về cho một hộ làm đầu mối
Các hộ dân thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được địa phương hỗ trợ cây giống, con giống theo nhóm hộ và được giao về cho một hộ làm đầu mối

Những năm gần đây, ông Bríu Hùng ở xã Lăng, huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tham gia chương trình hỗ trợ phát triển cây dược liệu tại địa phương. Được hỗ trợ 5 triệu đồng và từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Bríu Hùng xây dựng vườn ươm, trồng 2 hecta cây Ba kích tím giống cung cấp cho người dân địa phương.

Ông Bríu Hùng cho biết, cây Ba kích tím thực sự mang lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào Cơ Tu, góp phần bảo tồn dược liệu quý của vùng cao Tây Giang.

“Từ khi có Nghị quyết về hỗ trợ thì chúng tay xin vay vốn xây dựng trang trại này để nhân giống cây Ba kích cho địa phương, bảo vệ nguồn gen giống Ba kích đặc hữu. Chúng tôi cũng vận động người dân địa phương cùng trồng cây dược liệu. Hiện, người dân đã trồng rất rộng rãi, đây là cơ sở để xóa đói giảm nghèo tại địa phương” – ông Bríu Hùng cho biết.

Khi triển khai Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất. Phương án hỗ trợ là trực tiếp theo nhóm hộ và được giao về cho một hộ làm đầu mối. Đại diện nhóm hộ sẽ tổ chức sản xuất, các hộ cùng tham gia. Cách “trao cần câu cơm” này nhằm mục đích giúp người dân sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, từng bước hình thành chuỗi sản xuất hàng hoá tập trung.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định này giúp người dân thuộc đối tượng dự án nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong liên kết phát triển sản xuất, từng bước hình thành chuỗi sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

Theo ông Dũng: “Phải xây dựng một vùng nguyên liệu lớn, rồi liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm dược liệu. Cách làm như vậy mới xây dựng được thương hiệu. Như thế thì giá trị hàng hoá, giá trị các sản phẩm dược liệu mới cao”.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giúp các địa phương có nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh và các hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, khu vực miền núi cao xứ Quảng mọc lên nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp liên kết với nhóm hộ phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng, tạo đầu ra ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng.

Ông Trần Văn Noa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, địa phương đã lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nguồn vốn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.

“Đối với các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, chúng tôi lồng ghép giữa nguồn vốn chương trình OCOP với nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là nguồn lực rất lớn để tạo cú hích cho phát triển các sản phẩm OCOP tại miền núi Quảng Nam. Chúng tôi triển khai các cơ chế hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị để các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn đến” – ông Noa chia sẻ.

Tiểu dự án 2 của Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” được kỳ vọng sẽ giúp người dân miền núi đổi đời thông qua việc trao sinh kế bền vững. Đây cũng là dự án có nguồn đầu tư lớn nhất trong các tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự kiến hỗ trợ các địa phương trong cả nước thực hiện cả giai đoạn từ 2021 đến 2025 là hơn 20.060 tỷ đồng. Nguồn lực này giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sống ở khu vực miền núi trực tiếp tham gia bảo vệ  rừng, phát triển sinh kế từ rừng.

Miền núi tỉnh Quảng Nam đã hình thành nhiều chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý. Người dân miền núi đã hình thành ý thức trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý gắn với phát triển rừng bền vững. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kỳ vọng, những cơ chế, chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ sớm phát huy hiệu quả trong thực tiễn, tạo nền tảng để phát triển chuỗi giá trị sản xuất lẫn tiêu thụ các loài dược liệu đặc hữu tại địa phương.

“Đây chỉ là bước đầu của một ngành công nghiệp phát triển dược liệu thiên nhiên đầy tiềm năng mà tỉnh Quảng Nam vô cùng lợi thế. Hướng phát triển chủ đạo, tạo đột phát cho miền núi sắp tới sẽ là hình thành vùng nguyên liệu dược liệu. Thực hiện gắn kết giữa vùng trồng nguyên liệu dược liệu với các doanh nghiệp, hình thành một cụm công nghiệp chuyên về sản xuất dược liệu. Đây là một ngành có tiềm năng và giá trị gia tăng rất lớn mà đối tượng hưởng lợi là người dân khu vực miền núi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *