Mô Hình Cà Phê của Phụ nữ làm chủ tại Điện Biên

Thung lũng Mường Ảng ở tỉnh Điện Biên nổi tiếng với cây cà phê Arabica, nằm ở độ cao từ 700 đến 1.700 mét so với mực nước biển. Những hạt giống cà phê được đưa vào đây từ thập niên 1970 và đã phát triển tốt nhờ sự chăm sóc chu đáo của người dân tộc Thái.

Mô Hình Cà Phê của Phụ nữ làm chủ tại Điện Biên

Người dân nơi đây, đặc biệt là những chị em dân tộc Thái ở Bản Na Luông, đã phát triển tình yêu với cà phê trong hy vọng cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, việc duy trì thu nhập ổn định từ cây cà phê vẫn là một thách thức, khi có năm sản lượng tốt nhưng giá lại thấp, hoặc ngược lại. Thời tiết khắc nghiệt cũng làm cho việc canh tác cà phê trở nên khó khăn hơn trong những năm gần đây.

Nhóm sản xuất và kinh doanh cà phê.

Chị Lò Thị Tiên – đại diện nhóm sản xuất và kinh doanh cà phê tại Bản Na Luông chia sẻ rằng: họ luôn trăn trở tìm cách đưa sản phẩm cà phê do bà con làm ra đến tay người tiêu dùng. Đến năm 2018, sự hỗ trợ từ Tổ chức Care và Quỹ phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên đã giúp họ định hướng phát triển sản phẩm cà phê, từ đó tên gọi “Cà phê chị em” được chọn làm thương hiệu riêng.

Sau khi được trang bị máy móc và kiến thức chế biến cà phê, nhóm chị em đã sản xuất được ba dòng cà phê khác nhau: chế biến ướt (fullwash), hai loại cà phê đặc sản là Honey (hương mật ong) và Natural (vị truyền thống). Theo chị Tiên, mỗi vụ thu hoạch nhóm thường sản xuất từ 4-5 tấn cho mỗi dòng sản phẩm.

Nhóm sản xuất cà phê hợp tác trong việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch, tạo thành một chuỗi sản xuất.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhóm đã liên kết với 13 hộ trồng cà phê khác trong xã Ảng Nưa, hỗ trợ họ về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê như bón phân, tỉa cành và xử lý bệnh bằng phương pháp hữu cơ tự nhiên. Họ cùng nhau hợp tác trong việc trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch, tạo thành một chuỗi sản xuất. Mỗi năm, nhóm thu mua khoảng 30-35 tấn quả tươi từ các hộ này, vừa tạo thêm việc làm cho người dân vừa thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, đây cũng là cầu nối cho tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp họ tự tin làm chủ công nghệ và kết nối với những chị em khác trong cộng đồng để cùng nhau tạo ra sản phẩm.

Xây dựng thương hiệu Cà phê Chị Em

Dù có sự hỗ trợ và quyết tâm, nhưng nhóm vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định kinh tế từ cây cà phê. Thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là tìm đầu ra cho sản phẩm và cải tiến kỹ thuật sản xuất để có thể tiếp cận các công ty lớn hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

Chúng tôi vẫn chưa chuyên sâu về cà phê và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm mang đến những hạt cà phê thơm ngon cho mọi gia đình. Chúng tôi không chỉ muốn tạo ra một hương vị đặc trưng mà còn xây dựng thương hiệu cà phê riêng nhằm mở rộng thị trường, là những chia sẻ của chị Tiên.

Chị Lò Thị Tiên chia sẻ câu chuyện cà phê của nhóm chị em đang sản xuất.

Bắt đầu trồng cà phê từ thời ông cha để lại, hiện nay diện tích đất trồng cà phê của chúng tôi đã gần 30 hecta. Trong quá trình thu hoạch, nhóm thường thuê khoảng 30 đến 40 lao động để hỗ trợ. Về khâu chế biến, chúng tôi cũng tuyển thêm từ 10 đến 20 người.

Trong cuộc sống, nhóm chị em còn hỗ trợ các chị em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người khuyết tật không thể hái cà phê. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho họ, có thể thu hoạch những quả cà phê chín. Trong giai đoạn chế biến, chúng tôi sẽ tuyển dụng những anh chị em khuyết tật để họ có việc làm đó là nhặt quả cà phê và loại bỏ những quả hỏng.

Tiền công cho mỗi ngày làm việc là 200.000 đồng, còn nếu làm nửa ngày thì là 100.000 đồng, với mong muốn tạo cơ hội cho những người phụ nữ đơn thân hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhóm Chị Em luôn hỗ trợ lẫn nhau về nhân lực và công việc, giúp đỡ những gia đình khó khăn có vốn ít. Nếu có nguồn vốn, chúng tôi sẵn lòng cho họ vay để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Lò Thị Tiên tâm sự rằng: Cà phê Chị Em không chỉ là một sản phẩm, mà còn là biểu tượng cho sự chia sẻ vẻ đẹp và nghị lực lao động của người dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc, cũng như sự kết nối giữa những người đam mê, yêu thích cà phê với những người nông dân chăm chỉ, sáng tạo.

Văn Trì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *