Tìm giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững

Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế – xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng

Ngày 04/4, tại Đắk Lắk, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh uỷ Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW.

 Hình ảnh tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Báo https://dangcongsan.vn/.

Cùng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, các cơ quan liên quan của 5 tỉnh Tây Nguyên; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội; đại diện một số Hiệp hội; các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, trao đổi những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những nhiệm vụ giải pháp đột phá tạo động lực để phát triển bền vững rừng trong giai đoạn tới, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số.

Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế – xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng.

Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế- xã hội; các Nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trên cả nước, trong đó chú trọng tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là các Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, khoá XIII, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các báo cáo, ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo cũng như gửi tới Hội thảo đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cụ thể là: Những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; về kinh tế, đã thay đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp; về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động, trong đó, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao chiếm tỷ lệ lớn; về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về những hạn chế, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, Hội thảo đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện tốt tiến trình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của Ban Tổ chức, cảm ơn các ý kiến tham luận và phát biểu, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo, với nhiều nội dung trọng tâm trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nhấn mạnh các giải pháp được đề xuất tại Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, các ý kiến đã nêu: định hướng bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai hiện hành về quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp; Các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải pháp phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới; hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cac-bon ở Việt Nam; Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi trong công tác bảo đảm an sinh đối với người dân khu vực có rừng. Khai thác tiềm năng Tây nguyên dựa trên 4 trụ cột để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Một số giải pháp, kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên; sản xuất, canh tác nông nghiệp hữu cơ theo phương thức phát triển của hệ sinh thái rừng Tây Nguyên.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu tối đa những nội dung được trình bày và ý kiến đóng góp để kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên và công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo đó, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (gọi tắt là Chỉ thị 13), nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao.

Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. So với giai đoạn 2012 – 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5 %, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%; vận chuyển, mua bán trái phép động vật rừng, gỗ, lâm sản giảm 49,4%; các vi phạm khác giảm 30,2%…

Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn, giai đoạn 2017 – 2022 trên địa bàn tỉnh trồng được 12.405 ha (cả trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác). Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại địa bàn. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng trên địa bàn hơn 488 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 tại Đắk Lắk cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng; một số chủ rừng năng lực còn hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả…

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung, như: xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên để quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân di cư tự do tại các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng…

Theo: https://dangcongsan.vn/thoi-su/tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-nong-lam-nghiep-gan-voi-phat-trien-rung-ben-vung-634875.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *