HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT LÂM NGHIỆP VIỆT NAM (VIFA)
-
Giới thiệu.
Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) là một tổ chức phi chính phủ, là Hội thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), được Chính phủ (Hội đồng Bộ trưởng) ra quyết định thành lập số 253 HĐBT ngày 13/12/1982. Là một Hội nghề nghiệp với sự tham gia tự nguyện của các chuyên gia, cán bộ công tác trong ngành lâm nghiệp, có mục tiêu hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, phát triển khoa học công nghệ cho lâm nghiệp nhiệt đới của Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của VIFA là tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia lâm nghiệp để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất hợp tác hành động, thiết lập đối tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để đóng góp thiết thực cho công cuộc xã hội hóa nghề rừng, thông qua tham vấn, phản biện chính sách, tham gia thí điểm các sáng kiến mới của quốc gia và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong tất cả các hoạt động lâm nghiệp.
-
Lĩnh vực hoạt động.
– Tập hợp, vận động, đoàn kết, khuyến khích hội viên là những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật lâm nghiệp ở trong và ngoài nước hăng hái nhiệt tình, có trách nhiệm, sáng tạo trong nghiên cứu, học tập, để nâng cao trình độ, đem tài năng và trí tuệ đóng góp, xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
– Vận động, tuyên truyền, giáo dục các hội viên và những người quan tâm đến nghề rừng cùng xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn liền với trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.
– Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như các kế hoạch, dự án nghiên cứu phát triển khoa học lâm nghiệp khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.
– Tham gia, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giảng dạy, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng đào tạo, cán bộ, đại học và trên đại học góp phần xây dựng nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao về nghề rừng tại Việt Nam. Tổ chức các đợt tập huấn, các khoá đào tạo ngắn ngày để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về ngành lâm nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng bền vững phù hợp với quy định của pháp luật. Tuyên truyền, giáo dục môi trường cho trẻ em, học sinh, thanh thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức về phát triển môi trường bền vững.
– Liên kết và cộng tác với ngành lâm nghiệp và các tổ chức có liên quan để đề xuất, góp ý kiến với cơ quan chức năng có liên quan về việc xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật lâm nghiệp hiệu quả, thiết thực.