Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam không phụ lòng tin yêu của Đảng, của Nhân dân đã hết lòng đưa trí tuệ và sức lực của mình cống hiến cho Đất nước và dân tộc, góp phần giải phóng đất nước và xây dựng Tổ quốc như ngày hôm nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một người tiêu biểu trong lớp trí thức ấy, người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học và Tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.
Hôm nay, trước thềm kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023), chúng ta có mặt tại sự kiện ý nghĩa này, cùng nhau tưởng nhớ với tấm lòng biết ơn sâu sắc gửi đến GS.VS Trần Đại Nghĩa, vị Chủ tịch đầu tiên và cũng là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của tổ chức tập hợp trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam – Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng khẳng định.
Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Chánh Hiệp, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Từ nhỏ, ông đã rất hiếu học, có tư chất thông minh, có nghị lực, ham học hỏi, luôn đứng hạng ưu trong các kỳ thi của các trường, đứng đầu hai kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Tây. Khi được học bổng sang Pháp học, Phạm Quang Lễ quyết tâm chạy đua với thời gian, lấy được 6 bằng đại học và chứng chỉ của các trường đại học danh tiếng của Pháp.
Cũng trong thời gian đó, ông đã tự tìm tòi nghiên cứu về ngành chế tạo vũ khí. Sau này về nước, ông đã sáng tạo, sáng chế được những vũ khí rất có ý nghĩa đối với thực tiễn Cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước thiết tha, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ cuộc sống ở Pa-ri (Pháp) theo Hồ Chủ tịch về nước. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên Trần Đại Nghĩa cho Phạm Quang Lễ.
Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và cống hiến của ông đã nêu một tấm gương sáng về nghị lực, nhân cách, sự cống hiến hết mình trong lao động, nghiên cứu khoa học.
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng.
Trong quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, Ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Và đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam.
Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26/03/1983 đã bầu GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức KH&CN Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Phạm Hoài Nam chia sẻ: Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc. Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá cao những đóng góp to lớn của Giáo sư đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”…
Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt vấn đề xây dựng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và giao cho GS. Trần Đại Nghĩa khẩn trương lập đề án. Trước bối cảnh lúc bấy giờ của Việt Nam, GS. Trần Đại Nghĩa đã lập đề án bước đầu thành lập “Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia”, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sửa lại tên gọi là “Viện Khoa học Việt Nam” như muốn nhắc nhở các nhà khoa học của đất nước phải hết sức cố gắng để sớm gắn thêm 2 từ “Hàn lâm”.
Muốn thành lập Viện Hàn lâm Khoa học của một đất nước, điều cần thiết và tiên quyết là phải có một tập thể giáo sư, viện sĩ có uy tín đứng đầu các lĩnh vực khoa học, để thành lập Đoàn Chủ tịch Hội đồng Khoa học. Theo đề nghị của GS. Trần Đại Nghĩa, Chính phủ đã bổ nhiệm một số giáo sư, nhà khoa học kỹ thuật lớn tiêu biểu làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam với hàm Thứ trưởng, tạo thành một tập thể lãnh đạo đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh cho biết: có 3 nguyên tắc xây dựng chiến lược nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam mà Giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã đề ra và tuân thủ. Một là, ưu tiên những vấn đề cấp bách rất cần cho đất nước nhưng phải lượng sức, đề ra phải thực hiện được, không đề ra viển vông. Hai là, ưu tiên những đề tài phát huy thế mạnh của Việt Nam, những vấn đề sở trường ta có tiềm năng, có thực lực. Ba là, giành một lực lượng đi vào hiện đại, đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong tương lai.
Dưới sự lãnh đạo của GS.VS. Trần Đại Nghĩa, cán bộ nhân viên của Viện Khoa học Việt Nam đã vượt khó, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ vừa xây dựng cơ sở ban đầu, vừa tiến hành nghiên cứu khoa học kịp thời phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được theo dõi bộ phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Qua đó giúp các thể hệ sau hiểu hơn về những đóng góp của một nhà khoa học kiệt xuất, một trong những tri thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh. Ông là một tấm gương sáng để các nhà khoa học hiện nay có thể phấn đấu, học tập và noi theo.